Phát triển phần mềm mã nguồn mở: Cần vượt qua nhiều rào cản

Xây dựng và triển khai các ứng dụng phần mềm mã nguồn mở (PMMNM) hiện đang được coi là một trong những giải pháp tối ưu giúp giảm thiểu tối đa kinh phí bản quyền, đặc biệt là bản quyền đối với hệ điều hành, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, môi trường phát triển phần mềm. Phần mềm nguồn mở sẽ giúp khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp CNTT trong nước phát triển sản phẩm của mình, từng bước tham gia vào thị trường phần mềm ở khu vực và trên thế giới…

Nhiều kỳ vọng là vậy, song dường như, cho tới thời điểm này, việc phát triển PMMNM tại Việt Nam vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn.

“Xài” PMMNM, nhiều băn khoăn

Nếu xét ở khía cạnh giấy phép sử dụng, PMMNM được hiểu là tự do sử dụng, tự do sửa đổi, cải tiến và tự do phát hành. Còn xét trên khía cạnh phát triển, PMMNM mang “tính mở” và sự tương tác rộng trong quá trình phát triển phần mềm.

Phải thừa nhận, việc xây dựng và triển khai các ứng dụng PMMNM hiện đang được coi là một trong những giải pháp tối ưu giúp giảm thiểu tối đa kinh phí bản quyền, đặc biệt là bản quyền đối với hệ điều hành, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, môi trường phát triển phần mềm. Phần mềm nguồn mở sẽ giúp khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp CNTT trong nước phát triển sản phẩm của mình, từng bước tham gia vào thị trường phần mềm ở khu vực và trên thế giới…

Theo ông Trương Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty cổ phần Giải pháp thông tin iWay, cho tới thời điểm này, người dùng, cộng đồng cũng như doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều băn khoăn, nghi ngại khi sử dụng phần mềm nguồn mở dù đó là những băn khoăn không thực sự.

Nhiều người vẫn cho rằng PMMNM không đáng tin cậy hoặc không được hỗ trợ tốt. Rồi các công ty, doanh nghiệp lớn hiện nay vẫn không mặn mà gì với PMMNM. Các PMMNM hiện đang phải đối đầu với vấn đề sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, PMMNM cũng liên quan tới vấn đề bản quyền. Phần lớn các khía cạnh trong phần mềm nguồn mở liên quan đến “sự mở” cũng như quá trình phát triển cộng tác. Phần mềm tự do nguồn mở không tạo ra tiền… Tại Hội thảo quốc gia lần 5 về PMMNM vừa qua, ông Tuấn và nhiều đại biểu cũng đã có những giải toả về những băn khoăn này.

Còn với ông Vũ Duy Lợi, giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Trung ương Đảng, các vấn đề cần quan tâm khi ra quyết định và triển khai ứng dụng PMMNM trong khuôn khổ Đề án tin học hoá hoạt động của cơ quan Đảng đó là các vấn đề về nghiệp vụ, công nghệ, tổ chức thực hiện và quản lý, vận hành, khai thác.

Theo ông Lợi, sử dụng PMMNM cho phép giảm thiểu tối đa kinh phí bản quyền, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất và cung cấp phần mềm ứng dụng nước ngoài ít nhất là trong thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, cho phép chủ động mở rộng, nâng cấp các chức năng đã có, bổ sung các chức năng mới… Song bên cạnh đó, ứng dụng này không phải là không đặt ra những vấn đề về công nghệ. Đó không chỉ là khả năng làm chủ công nghệ phần mềm nguồn mở, bao gồm hệ điều hành, công cụ và môi trường phát triển … mà quan trọng hơn cả là khả năng làm chủ phương pháp luận phân tích, thiết kế các hệ thống phần mềm ứng dụng.

Ngoài ra, việc xác định đúng phạm vụ ứng dụng phần mềm nguồn mở cho phù hợp với trình độ làm chủ công nghệ cũng đóng một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của việc ứng dụng phần mềm nguồn mở. Chính vì vậy, việc triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở của Việt Nam không thể triển khai ồ ạt với hy vọng mang lại lợi ích ngay trong một sớm, một chiều. Điều này được lý giải bởi trình độ ứng dụng thấp và năng lực cán bộ kỹ thuật còn hạn chế. Theo ông Lợi, việc chuyển sang ứng dụng phần mềm nguồn mở cần được tiến hành từng bước, bảo đảm các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ được liên tục không bị gián đoạn.

Để phát triển, hướng nào?

Hiện giờ Việt Nam cũng đã có một số PMMNM đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong các cơ quan nhà nước đã được ứng dụng rộng rãi như phần mềm Openoffice, phần mềm thư điện tử máy trạm Thunderbird, phần mềm trình duyệt Web MozillaFirefox, phần mềm bộ gõ tiếng Việt Unikey.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã ban hành một số cơ chế chính sách về PMMNM như ưu tiên sử dụng trong các dự án CNTT dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gối từ ngân sách nhà nước; đầu tư nghiên cứu, phát triển và khuyến khích sử dụng một số sản phẩm PMMNM trọng điểm có khả năng thay thế phần mềm thương mại và các ứng dụng, tiện ích trên PMMNM; hỗ trợ thúc đẩy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm PMMNM và các cộng đồng phần mềm nguồn mở của Việt Nam…

Ông Đường cũng phải thừa nhận rằng, chính sách nói chung và chính sách về PMMNM nói riêng là một vấn đề phức tạp, liên quan đến rất nhiều vấn đề như cơ chế chính sách dầu tư, tài chính, quản lý dự án, chuyển giao công nghệ, đào tạo… Bởi vậy, lộ trình chuyển sang sử dụng phần mềm nguồn mở cần được xác định phù hợp với yêu cầu ứng dụng, trình độ làm chủ công nghệ và việc thay đổi thói quen người sử dụng.

Song song với đó, bản thân các bộ, ngành cũng phải vào cuộc bằng những giải pháp cụ thể để làm sao vừa dùng phần mềm có bản quyền đồng thời tiết kiệm trong mua sắm phần mềm bằng kế hoạch triển khai đưa PMMNM vào sử dụng. Cần phải có kế hoạch thu hút đầu tư và huy động nguồn vốn phát triển PMMNM cũng như phát triển mạnh nguồn nhân lực làm về PMMNM…

Nếu như những giải pháp về phát triển PMMNM trên được triển khai một cách đồng bộ, tin rằng sẽ đem lại hiệu quả như mong muốn. Song vẫn phải khẳng định lại: Một điều chắc chắn là, phần mềm nguồn mở và phần mềm nguồn đóng sẽ cùng tồn tại để bổ sung những điểm mạnh cho nhau, khắc phục khiếm khuyết cho nhau tạo thành nền tảng cho việc phát triển và triển khai thực tế các hệ thống phần mềm ứng dụng nhằm đạt mục tiêu cao nhất là khả thi, thiết thực và hiệu quả.

Thuỷ Nguyên

Nguồn VnMedia