Một góc nhìn từ hội thảo Japan Linux Symposium

Hội thảo Japan Linux Symposium, tổ chức cùng Kernel Summit, là một trong các sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở trên thế giới, lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á, quy tụ các lập trình viên, quản trị viên hệ thống, các chuyên gia Linux và phần mềm tự do nguồn mở hàng đầu châu Á và trên thế giới, các nhà quản lý, người sử dụng. Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường, khuyến khích hợp tác phát triển, trao đổi thông tin về Linux và phần mềm tự do nguồn mở giữa Nhật Bản, các nước châu Á với cộng đồng nguồn mở trên toàn thế giới.

Ấn tượng đầu tiên khi tham dự hội thảo chính là về nước chủ nhà. Nhật Bản với dân số 128 triệu người, đứng thứ 10 thế giới, nhưng lại là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới tính theo GDP và hiện là thành viên duy nhất thuộc châu Á trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 (theo: Wikipedia – http://en.wikipedia.org/wiki/Japan). Đất nước mặt trời mọc hiện ra dưới cánh bay với vẻ hiện đại mà vẫn giữ được bầu không khí thoáng đãng, rộng mở. Hạ cánh xuống sân bay, đi xe buýt về trung tâm Tokyo thấy các đường phố, nhà ga, tàu điện ngầm… với vẻ hiện đại, sạch thoáng xen giữa những chùa chiền cổ kính và đặc biệt là bầu không khí ngăn nắp, kỷ luật của những người dân Nhật Bản càng thực sự bắt đầu cảm nhận được tại sao Nhật Bản, hơn 60 năm sau ngày bị vùi lấp dưới đống tro tàn của thế chiến thứ 2, lại có thể vươn mình mạnh mẽ và có mức độ phát triển như hiện tại.

Hội thảo diễn ra trong 3 ngày, 21-23 tháng 10, quy tụ hơn 450 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những lập trình viên Linux Kernel, đã có mặt từ trước tham dự đại hội Kernel Summit diễn ra tại cùng địa điểm trước đó 2 ngày. Trong đó có một ngày đặc biệt quan trọng, ngày diễn ra keynote sessions, tổ chức tại khách sạn ANA Intercontinental, chiều 21/10, với sự tham gia của một trong những người nổi tiếng nhất, đóng góp nhiều nhất cho cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở, người đã viết những dòng code đầu tiên và hiện vẫn được coi là kiến trúc sư trưởng của Linux Kernel, Linus Torvalds. Ngày này cũng đánh dấu một con số kỷ lục về số người tham dự với trên dưới 1,000 đại biểu.

Linus Torvalds and ME

Buổi phỏng vấn Linus Torvalds, được thực hiện bởi Jim Zemlin, Linux Foundation, diễn ra hết sức cởi mở và rất nhiều điều bổ ích, ý nghĩa. Linus Torvalds đã chia sẻ những ngày đầu đầy khó khăn thử thách, cho đến khi thành quả đầu tiên, nhân Linux 1.0 được tạo ra, rồi đến giai đoạn có sự tham gia của những thành viên mới, những lập trình viên nhân Linux mà tính đến thời điểm hiện tại đã đếm bằng con số hàng ngàn, với những đóng góp mới vô cùng quan trọng, đồng thời hình thành lên cộng đồng các nhà phát triển nhân Linux như hiện tại. Linus Torvalds cũng đã chia sẻ về tương lai của Linux, của phần mềm tự do nguồn mở và cả cộng đồng.

Xem cách mà Linus Torvalds, Linux Kernel developers/contributors và các cá nhân, tổ chức khác đóng góp cho Linux nói riêng và phần mềm tự do nguồn mở nói chung lại thấy những gì bản thân mình, công ty iWay mình, HanoiLUG và cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam nói chung đã làm được quả là quá nhỏ bé, và còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để hòa chung vào dòng chảy, vào xu hướng không thể cản nổi này của toàn xã hội. Với một cộng đồng như thế này, không khó để lý giải về những thành công mà Linux và phần mềm tự do nguồn mở đạt được trong những năm gần đây.

Keynote sessions buổi chiều kết thúc bằng một phiên thảo luận “bàn tròn”, với sự tham gia của những nhân vật không kém phần nổi tiếng, đến từ những tổ chức đóng góp và có ảnh hướng quan trọng tới phần mềm tự do nguồn mở: Larry Augustin, SugarCRM; James Bottomley, Novell/SuSE; Dan Frye, IBM; Hiroyuki Kamezawa, Fujitsu; Shinichi Yamada, NTT DATA.

Người dẫn chương trình, Nobuyori Takahashi, Nikkei BP, đặt các câu hỏi xoay quanh các chủ đề chung như tại sao nên làm việc cùng với các contributors, lợi ích đạt được; làm thế nào để dỡ bỏ những ngại ngần của người dùng, đi đến quyết định sử dụng Linux và phần mềm tự do nguồn mở; hoặc rất cụ thể như việc: ngành điện toán những năm 80s là mainframes, 90s là Unix/RISC, 2000s là PC Server, và giả sử ngành điện toán những năm 2010s là Cloud Computing, thì chúng ta chuẩn bị thế nào để Linux và phần mềm tự do nguồn mở có được mức độ phát triển tương xứng, đúng hướng, mang lại lợi thế cạnh tranh vượt trội, trở thành lựa chọn số một cho người dùng.

Các diễn giả đã thay phiên nhau bàn luận về từng chủ đề, cùng nhau trả lời, giải đáp các thắc mắc của những người tham gia diễn đàn, mang lại một bầu không khí hết sức sôi động và truyền tải một lượng thông tin rất lớn, hữu ích tới toàn thể những người tham gia hội nghị, giúp cho từ những chuyên gia, lập trình viên nhân Linux, tới những người sử dụng cuối có được một bức tranh, ở mức độ khác nhau, toàn cảnh về Linux và phần mềm tự do nguồn mở hiện tại và tương lai.

Ngày thứ hai của hội nghị ấn tượng bởi các phiên buổi chiều bắt đầu với báo cáo tình hình cộng tác phát triển Linux Kernel (The Kernel Report) trình bày bởi Jon Corbet, LWN.net, xoay quanh các chủ đề chung mang tính cộng đồng như sức sống của cộng đồng phát triển Linux Kernel, cũng như các chủ đề chuyên sâu về công nghệ như tính dễ mở rộng, định dạng phân vùng lưu trữ, tính toán theo thời gian thực, máy ảo, phần cứng… đã được và cần được hỗ trợ bởi Linux Kernel;

Và kết thúc với phiên Kernel Developer Panel, theo hình thức tương tự phiên “bàn tròn” ngày hôm trước, với sự tham gia của những Kernel developers/contributors: Jon Corbet, LWN.net; Andrew Morton, Google; Takashi Iwai, Novell/SuSE; Tejun Heo, Novell/SuSE; dẫn chương trình bởi Ted Ts’o, Linux Foundation.

Các bài trình bày diễn ra trong 3 ngày hội nghị JLS tuy ngắn ngủi, nhưng với các chủ đề rất phong phú, từ tổng quan đến chuyên sâu trong từng lĩnh vực, từ Linux Kernel đến các phần mềm tự do nguồn mở, từ vấn đề phát triển, kỹ thuật đến các chủ đề nóng về cộng đồng, phát triển cộng đồng, từ việc hỗ trợ định hướng phát triển hệ thống thông tin với các cấp lãnh đạo đến giới thiệu cho người dùng cuối, được trình bày bởi các diễn giả uy tín, mang đến một lượng thông tin khổng lồ và vô cùng lý thú. Mỗi bài trình bày được giới hạn trong khoảng 45 phút, bao gồm thời gian hỏi đáp, diễn ra đồng thời tại 5 phòng trình bày.

Thay cho lời kết: ấn tượng đọng lại từ hội nghị hết sức sâu đậm, thậm chí ám ảnh tác giả với hàng loạt câu hỏi:

Tại sao cộng đồng sử dụng và tham gia phát triển phần mềm tự do nguồn mở, đặc biệt là phát triển, đóng góp cho Linux Kernel tại Việt Nam chưa có mức độ phát triển tương xứng với tiềm năng thực sự của chúng ta?!?!

Chúng ta phải làm gì để hòa chung vào dòng chảy để đóng góp nhiều hơn nữa, cùng cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở toàn thế giới góp phần vươn tới ý nghĩa toàn vẹn của tự do trong phần mềm?!?!

Trương Anh Tuấn, viết từ Japan Linux Symposium.

Tokyo, 24-10-2009