Openroad technical workshop lần đầu tại Hà Nội

Thứ 7, ngày 14/6 vừa qua, dự án Openroad đã tổ chức sự kiện Technical Workshop đầu tiên tại Hà Nội, nhằm hỗ trợ, tập huấn cho các thành viên mới tham gia những kiến thức cơ bản về dự án, bao gồm:

  1. Tổng quan về dự án Openroad
  2. Hướng dẫn sử dụng Git SCM và chiến lược áp dụng đối với kho mã nguồn Openroad trên GitHub
  3. Tổng quan về công nghệ đăng nhập một lần (SSO – Single Sign On) Jasig CAS
  4. Hướng dẫn cách thức trao đổi, liên lạc giữa các thành viên trong dự án Openroad

Buổi Workshop tổ chức tại phòng học của Viện tin học Nhân dân, thuộc Hội Tin học Việt Nam, đã thu hút sự tham gia tại chỗ của trên dưới 20 thành viên dự án và gần 10 thành viên qua Phần mềm hội nghị truyền hình TrueConf được hỗ trợ bởi công ty HaproInfo, bao gồm cả các thành viên mới và các thành viên đã tham gia từ các giai đoạn trước, đến từ các đơn vị: Viện Đại Học Mở Hà Nội, Đại học Đại Nam, Đại Học Thăng Long, Đại học Dân lập Hải Phòng, công ty Netnam, công ty Lạc Tiên, công ty Nacencomm, công ty Vinades, công ty iWay, công ty D&L, công ty EcoIT, Sở TTTT Bắc Giang.

Các thành viên tham dự workshop đã chăm chú lắng nghe các chia sẻ của những thành viên đi trước đã có kinh nghiệm và trao đổi hết sức tích cực. Phần hướng dẫn về Git và GitHub được thực hiện trong 3 tiếng buổi sáng của anh Vũ Văn Thảo đã cho một cái nhìn tổng quan về Git và áp dụng với GitHub, giúp cho các thành viên có được kỹ năng cơ bản có thể sử dụng được Git và làm việc với GitHub. Thêm vào đó, anh Trương Anh Tuấn cũng đã trình bày sơ bộ về chiến lược áp dụng các công cụ branch, tag… của Git trong Openroad. Các thành viên được hướng dẫn thực hành fork, init một kho git mới, add/commit các thay đổi, push/pull lên kho chứa trên GitHub…

Slide: https://speakerdeck.com/tuanta/git-and-github-for-beginners

Trong 3 tiếng buổi chiều, các thành viên tham dự được nghe anh Hoàng Chí Linh chia sẻ tổng quan về CAS và tích hợp trong dự án Openroad. Nhiều vấn đề mới của CAS đã được đem ra trao đổi rất sôi nổi, với sự chia sẻ thêm từ các thành viên đã có kinh nghiệm làm việc trên CAS như anh Nguyễn Năng Thắng (công ty iWay), anh Tạ Quang Thái (công ty EcoIT). Ngay trong buổi workshop, đội NukeViet đã thực hành ngay việc tích hợp NukeViet với CAS thành công (dĩ nhiên sẽ cần fine-tuning thêm nhiều khi quay trở về làm việc).

Slide: https://speakerdeck.com/tuanta/cas-overview

Chốt đầu giờ là phần giới thiệu tổng quan về dự án Openroad, giúp các thành viên mới tham gia có cái nhìn cơ bản về Openroad là gì, những gì đang được phát triển và cần có thêm các đóng góp mới… và cuối giờ là phần hướng dẫn các phương tiện trao đổi, liên lạc trong Openroad bao gồm IRC và Mailing lists của anh Trương Anh Tuấn. Sau khi được nghe giới thiệu sơ lược, các thành viên tham dự được thực hành đăng ký luôn vào mailing list Openroad-devel và kênh IRC #openroad trên Freenode.net. Kể từ đây, các phương thức liên lạc cơ bản trong các dự án PMTDNM là Mailing lists và IRC đã kết nối tới được các thành viên trong đội phát triển Openroad. Đội phát triển tiếp tục chào đón các thành viên mới, các thành viên vì những điều kiện cụ thể chưa đăng ký được vào mailing list, IRC… tiếp tục đăng ký vào để giữ liên lạc thông suốt với Dev team cũng như toàn bộ Dự án.

Slide: https://speakerdeck.com/tuanta/openroad-project-overview-1

Xem thêm về dự án Openroad và các phương thức liên lạc tại: https://github.com/Openroadvietnam/openroad/wiki

Xen giữa giờ nghỉ trưa là buổi giao lưu Pizza tại chỗ, với nhiều bình luận viên của cả PMTDNM, World Cup và mọi mặt trong cuộc sống. Kết thúc workshop, các thành viên lại tiếp tục tham dự buổi liên hoan Beer tại nhà hàng Trâm Bầu đối diện bên đường :). Chỉ có một thành viên, như thương lệ, không tham gia các hoạt động “bia bọt” là anh Tạ Quang Thái 😉

19h30 tất cả ra về, kết thúc một ngày dài (~12h) làm việc cật lực của BTC và tất cả thành viên tham gia (chưa kể mấy tuần cùng nhau chuẩn bị nội dung cũng như logistics cho workshop).

BTC xin chân thành cảm ơn Hội tin học Việt Nam đã hỗ trợ phòng học; cảm ơn công ty HaproInfo đã hỗ trợ Phần mềm hội nghị truyền hình TrueConf và cử cán bộ kỹ thuật trực hỗ trợ; cảm ơn anh Vũ Văn Thảo, công ty Vinades, thành viên tích cực trong core team của NukeViet và anh Hoàng Chí Linh, công ty EcoIT đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn về Git/GitHub và CAS; cảm ơn chị Đỗ Thị Thanh Thủy, công ty iWay, các chị Nguyễn Xuân Hương, Nguyễn Trang Nhung, hội Tin học Việt Nam, đã hỗ trợ chuẩn bị chu đáo về logistics.

Và đặc biệt cảm ơn tất cả các bạn thành viên đã tham dự và tích cực thảo luận, góp phần quan trọng vào thành công của Openroad technical workshop đầu tiên.

Một vài hình ảnh của buổi workshop đầu tiên:

Tại lớp học:

Và từ xa, qua Phần mềm hội nghị truyền hình TrueConf:

Hẹn gặp lại ở các workshop tiếp theo.

Chào thân ái và quyết thắng!