Việt Nam ‘đồng hành’ với thế giới về cloud computing

Ông Trần Viết Huân, Kỹ sư trưởng CNTT của IBM Việt Nam, khẳng định tuy xu hướng điện toán máy chủ ảo mới xuất hiện được khoảng 1-2 năm nhưng các cơ quan chính phủ và trường đại học đã đang áp dụng hiệu quả mô hình này.
Cloud computing – cách mạng điện toán giá rẻ nhờ Internet

Trong hai ngày 4-5/9 tại khách sạn Horison (Hà Nội), Bộ Khoa học và Công nghệ (MoST) cùng tập đoàn IBM đã tổ chức Hội nghị đổi mới và sáng tạo năm 2008 (Vietnam Innovation Summit 2008) nhằm tổng kết các hoạt động mà hai bên đã tiến hành trong thời gian qua, thảo luận về nguồn mở/Linux và một số lĩnh vực khác trong chương trình hợp tác mở rộng.

Sau 18 tháng phối hợp, IBM và MoST đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Cổng thông tin VIP (Vietnam Information for Science and Technology Advance Innovation Portal – Đổi mới và sáng tạo trong khoa học và công nghệ VN) đã bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2008 trên nền công nghệ điện toán đám mây của IBM. Hệ thống tương tác trực tuyến này đang được chính phủ và các trường đại học trong nước sử dụng để xây dựng chương trình đào tạo SSME (SSME là một môn khoa học và lĩnh vực nghiên cứu mới, tích hợp nhiều mặt của khoa học máy tính – kỹ thuật, khoa học quản lý – chiến lược kinh doanh và khoa học xã hội).

Cũng theo ông Trần Viết Huân, cổng VIP ứng dụng cloud computing sẽ tạo ra môi trường sáng tạo mà tại đó các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên… có thể chia sẻ thông tin, cùng xây dựng bài giảng, thiết lập cộng đồng nghiên cứu và hợp tác, nhờ đó tăng tính liên kết giữa người dạy và học.

VIP sẽ còn tiếp tục được cải tiến để phục vụ một số chương trình cộng tác khác, như An toàn thực phẩm/Truy tìm nguồn gốc thực phẩm, Quản lý chuỗi cung ứng, các dịch vụ y tế và theo dõi các bệnh truyền nhiễm…

Stephen Braim, Phó giám đốc chương tình hợp tác chính phủ tại IBM khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho hay hãng này chọn hợp tác với MoST vì tin tưởng Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác thương mại hấp dẫn và một thị trường có tính cạnh tranh cho sản phẩm và dịch vụ so với các nước láng giềng và cả trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần xây dựng “hệ sinh thái kinh doanh số” (digital business ecosystem) dựa trên các dự án về nguồn mở, hướng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB), thậm chí rất nhỏ (micro enterprise).