Từ tháng 7/2009 đến nay, Viettel đã chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) cho hơn 2.200 máy tính và nhờ đó đã tiết kiệm được gần 24 tỷ đồng chi phí mua bản quyền phần mềm nguồn đóng.
Cụ thể, hơn 2.200 máy tính đã được cài đặt hệ điều hành và phần mềm nguồn mở là những máy tính của gần 700 cửa hàng đa dịch vụ Viettel và trên 100 bưu cục của Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) trên toàn quốc. Các máy tính được cài đặt hệ điều hành nguồn mở Ubuntu để thay thế hệ điều hành Windows và phần mềm ứng dụng văn phòng Open Offfice thay cho ứng dụng văn phòng Microsoft Office, bộ gõ tiếng Việt Scim-Unikey và X-Unikey thay thế bộ gõ Vietkey và Unikey, phần mềm nhận thư điện tử Mozzila ThunderBird thay thế Outlook Express và MS Outlook.
Theo tính toán của Viettel, thông qua triển khai ứng dụng PMNM cho trên 2.200 máy tính, tập đoàn này đã tiết kiệm được gần 24 tỷ đồng so với việc mua hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office với giá khoảng 600 USD/máy. Dự kiến, trong thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục triển khai cài đặt hệ điều hành và PMNM thêm cho máy tính lắp đặt mới trong toàn tập đoàn.
Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, triển khai ứng dụng nguồn mở thành công tại Viettel không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu cách cài đặt và sử dụng ứng dụng, mà các kỹ sư CNTT của Viettel đã nghiên cứu chỉnh sửa, tuỳ biến nhằm đưa việc sử dụng phần mềm trở nên đơn giản hoá, tối ưu hoá, cũng như tạo sự ổn định và tương thích với các phần mềm nội bộ của Viettel.
“Triển khai hệ điều hành và phần mềm nguồn mở là một chiến lược quan trọng của tập đoàn Viettel trước hết nhằm tiết kiệm chi phí và tránh được các vi phạm bản quyền thương mại. Không những thế, sử dụng các ứng dụng nguồn mở mang lại môi trường làm việc có tính ổn định, an toàn và thuận tiện trong việc quản lý công việc, nâng cao năng suất lao động. Sử dụng hệ điều hành và phần mềm nguồn mở thay thế cho hệ điều hành và phần mềm thương mại đang là một xu thế ngày càng phổ biến trên thế giới”, đại diện Viettel nhấn mạnh.
Theo ICTnews