Tâm tư một người Mỹ về Obama

Dưới đây là cảm xúc của William J. Kole, trưởng văn phòng của AP tại Vienne, Áo, trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và ảnh hưởng của nó tới những người dân bình thường.

Cô gái người nước ngoài, không quen biết tôi, mà lại đến hôn tôi. Chỉ vì tôi là người Mỹ. Chuyện xảy ra ít giờ sau khi Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ.

Khi đó tôi đang trên xe buýt đi làm, và nói chuyện qua điện thoại. Cô gái người Áo chừng 20 tuổi ngồi đối diện tôi, chắc là nghe thấy tôi nói tiếng Anh.

Không nói một lời nào, cô tiến đến, hôn vào má tôi rồi xuống xe. Không có một lời nào được thốt ra, nhưng thông điệp thì quá rõ. Hôm nay, chúng ta đều là ngừoi Mỹ.

Đã rất lâu rồi, những người Mỹ sống ở nước ngoài như tôi – vốn đã quá quen với việc bị biến thành mục tiêu của sự căm ghét vì những chính sách của chính phủ Mỹ – có cảm giác như lại được yêu.

Như thể đã đi qua một chặng đường dài và gian khó, cuối cùng đã đến được đích.

Cảm giác đó không chỉ có ở tôi.

Một đồng nghiệp của tôi ở Ai Cập kể rằng khi chị đi trên đường phố Cairo, có mấy người đã tiến đến và nói: “Hoan hô nước Mỹ!”. Những người khác, đều là người lạ, nói những câu chúc mừng và chia sẻ tình cảm.

Một đồng nghiệp khác ở Amman, Jordan, cho biết nhiều người đã chúc mừng cô ngay trên đường phố, nhiều phụ nữ nói họ rất xúc động trước niềm vui khi ông Obama thắng cử tổng thống.

Khi bạn là người Mỹ ở nước ngoài, bạn có thể nhanh chóng bị biến thành mục tiêu của nỗi ghét bỏ. Chẳng cần biết bạn có dính dáng đến chính trị hay không, nhưng nếu chẳng may bạn ở nước ngoài đúng lúc nước Mỹ khiến thế giới buồn lòng, bạn sẽ lãnh đủ. Bạn sẽ cảm thấy mình bỗng dưng trở thành thứ quyền rơm vạ đá cho các chính sách của Washington, bạn sẽ cảm thấy tủi hổ và cô đơn.

Tôi không bao giờ quên một cuốc taxi ở Vienna, vào cái hôm cả thế giới biết chuyện Mỹ hành hạ tù nhân ở trại giam giữ các nghi phạm khủng bố ở Guantanamo. Tài xế là người Hồi giáo, đang vô cùng phẫn nộ. “Mày là người Mỹ, có phải không?”, ông ta hỏi với giọng kết tội, vốn đã quen với tai những người sống ở nước ngoài như tôi.

“Ơ, không, tôi người Canada”, tôi nói.

Đấy không phải là lần đầu tiên tôi nói dối về quốc tịch của mình. Tôi nói được ba ngoại ngữ, nên cũng có thể linh hoạt khi phải nói dối như thế. Tôi là người Đức khi ở Serbia, là người Pháp khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, là người Hà Lan khi ở Áo.

Tôi chẳng sung sướng gì khi nói dối. Nhưng khi ta xa nhà mà lại lo lắng, ta đành phải làm những gì cần thiết để tồn tại.

Đầu năm nay, khi chính quyền Bush công nhận độc lập của Kosovo, một người Serbia, nghe thấy giọng Anh Mỹ của tôi, đã ném một vỏ lon bia vào đầu tôi ngay giữa trung tâm thành phố Vienna. Anh ta ném không trúng, liền nhổ bọt và chửi rủa tôi.

Lần khác, một người Áo nghe thấy con gái tôi (cháu mới ở tuổi thiếu niên) nói chuyện với bạn nó, liền đuổi theo cháu và thét lên: “cút về đi”.

Chuyện tấn công bạo lực đối với người Mỹ ở nước ngoài rất hiếm xảy ra. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy lờ mờ những nguy cơ rình rập.

Sự ghét bỏ xuất hiện ở cả những nơi đáng ra đầy tình thân thiện, như trong các tiệc cocktail. Nhiều người nước khác vây lấy chúng tôi và chất vấn tại sao quân đội Mỹ lại hành hạ tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib; tại sao Mỹ không ký Công ước của LHQ về cấm tra tấn; tại sao Mỹ bác bỏ nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.

Đáng ra họ phải hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ – cơ quan này vẫn thường khuyến cáo công dân nên “giữ mình” khi ở nước ngoài, ngay cả ở những nơi thanh bình như nước Áo.

Tất nhiên, trước những câu hỏi đó, tôi phải thủ thế, phải nhắc nhở những người hay chỉ trích rằng người Mỹ rất bặt thiệp và hào phóng, thường phản ứng rất nhanh bằng cách giúp tiền bạc và sức lực bất kỳ lúc nào bất kỳ nơi nào khi đâu đó trên thế giới có người gặp nạn.

Con cái tôi lớn lên ở châu Âu, và trong bối cảnh thù hằn sau vụ 11/9, tôi phải dạy các cháu cách tránh để người khác nhận ra mình là người Mỹ. Đừng có nói tiếng Anh quá to khi đi tàu điện ngầm. Đừng đội mũ lưỡi trai hay đi giày tennis. Đừng đi đứng một mình, bởi những người Mỹ có thể trở thành mục tiêu của ai đó.

Chúng tôi không quá phóng đại, nhưng cuộc sống quả là căng thẳng. Một cảm giác khó tả về nguy cơ bị tấn công. Bản năng khiến chúng tôi cảnh giác, bởi chính phủ chúng tôi không được ưa chuộng và chúng tôi không được chào đón cho lắm.

Tôi biết nhiều người Mỹ khác cũng có cảm giác như thế khi sống ở một nơi thoải mái và yên bình như Vienna, nơi mà mối nguy hiểm lớn nhất có lẽ chỉ là ăn phải cái bánh mỳ không ngon.

Vì thế, cái hôn tự nguyện hôm qua quả là đáng nhớ.

Bây giờ tôi có được hai thứ cảm xúc mà đã rất lâu không có: thân thiện và ngưỡng mộ. Obama đã có một bài phát biểu thành công, thế giới đã nghe và mong muốn nước Mỹ thành công. Đêm qua, người Mỹ đã làm được một việc mà những người châu Âu chưa làm: bầu một người da màu lên làm tổng thống và tổng tư lệnh quân đội.

Tôi thường chạy marathon, tôi có một chiếc áo may ô màu đỏ, trắng và xanh, nhưng tôi chẳng mấy khi dám mặc ở châu Âu. Chạy marathon đủ vất vả rồi, tôi không cần chịu đựng thêm những tiếng la ó và chế giễu của khán giả.

Nhưng người bạn thân nhất và cũng là bạn tập của tôi – anh là người Pháp – vừa cho phép tôi làm việc đó. “Bây giờ, anh sẽ mặc chiếc áo có cờ Mỹ chứ? Anh được phép rồi đấy”, bạn nói với tôi.

T. Huyền (theo AP)