Đạo làm giàu của người Việt qua con mắt nhà sử học

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tinh thần dân tộc cũng là một phần của “đạo làm giàu”, và thể thể hiện trước hết trong sự cạnh tranh. Dưới đây là một phần bài viết của ông về đạo kinh doanh của người Việt.

Giới sử học Việt Nam vẫn cho rằng, xã hội Việt Nam dựa trên nền tảng của một nền kinh tế tiểu nông gắn với cơ cấu làng xã cùng với chính sách có xu hướng ức thương của các nhà nước phong kiến nên khó hình thành một tầng lớp thương nhân lớn, những đại gia tạo thành một thế lực xã hội. Về đại cục điều đó không sai. Ngay những địa điểm được coi là đô hội và buôn bán trù phú nhất như Phố Hiến hay Hội An cũng chỉ là sự bùng phát một thời với những yếu tố ngoại thương của các thương nhân nước ngoài đến tham dự hội chợ theo mùa và cuối cùng tàn lụi.

Nhưng có một phát hiện đáng chú ý liên quan đến một hiện vật nổi tiếng của dòng gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trên chiếc bình cổ vẽ những bông hoa cúc với dây leo rất đẹp có ghi tên người vẽ là Bùi Thị Hy. Sau rất nhiều công phu nghiên cứu người ta đã tìm được một số hiện vật là những sản phẩm gốm có giá trị ở trong nước có dấu tích của nhân vật này.

Mới đây, người ta đã tìm thấy bản sao tấm bia trên mộ chí của bà trong đó ghi tiểu sử của một nhà doanh nghiệp lớn của Việt Nam ở thế kỷ XV. Nội dung bia cho biết, bà sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc có tài văn chương lại có tài hội họa. Bà kết hôn với một chủ lò gốm ở vùng Chu Đậu, huyện Nam Sách, góp phần cùng chồng mở rộng sản xuất đồ gốm có chất lượng để tiến cống triều đình và xuất sang Trung Hoa, Nhật Bản và một số nước phương Tây. Chồng bà bị chết trong một chuyến đi biển vận chuyển hàng hóa. Bà tái giá với một người chồng họ Đặng rồi trực tiếp đứng ra kinh doanh, trở thành chủ thương đoàn, vượt biển buôn bán với “Tam phiên” (Nhật, Trung Hoa và phương Tây). Cuối đời bà dành nhiều tiền của làm công đức.

Phát hiện này là một cá biệt, có thể phản ánh những gì chúng ta chưa biết hoặc phủ nhận quan điểm ở nước ta thương mại còn kém phát triển.

‘Đạo làm giàu’ của cụ cử Can

Cho đến thời điểm các nhà duy tân của chúng ta xuất hiện, thì trong quan niệm làm giàu để đi đến đạo làm giàu chúng ta chỉ nhằm vào những hoạt động “buôn bán” (thương nghiệp) mà thôi. Ngay câu trích được coi như nội dung “Đạo làm giàu” của cụ cử Lương Văn Can cũng chỉ giới hạn như vậy: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt,… cứ xem cái trình độ buôn bán một nước nào cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo”.

Điều đó cho thấy, quan niệm về đạo làm giàu mới chỉ giới hạn trong các hoạt động buôn bán. Do vậy, cụ cử có đề cập tới việc giữ chữ tín, việc không được đầu cơ nâng giá một cách trái đạo lý, việc cân đong thiếu chính xác… như biểu hiện đạo đức của người thương nhân.

Tuy vậy, hoạt động kinh doanh từ xa xưa còn bao gồm cả khâu sản xuất ra hàng hóa, ở đây là những sản phẩm gốm Chu Đậu nổi tiếng đủ chất lượng xuất khẩu qua ngoại quốc. Những cuộc khai quật khảo cổ học trên biển (những con tàu đắm) và khảo cổ học vùng Chu Đậu cho thấy một năng lực sản xuất rất lớn từ thế kỷ XV.

Vào thời kỳ Duy Tân, các hoạt động kinh tế không chỉ dừng trên lĩnh vực buôn bán (lưu thông) mà còn cả trên lĩnh vực dịch vụ như vận tải đường sông – biển của Công ty Bạch Thái Bưởi hay sản xuất, khai khoáng, chế tạo sản phẩm như xà bông, đóng tàu, sơn dầu… gắn với các tên tuổi như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Hữu Thu. Nhưng “đạo làm giàu” không thấy đề cập tới lĩnh vực ngoài sự buôn bán. Bao trùm lên hết thì chỉ có vấn đề phát huy tinh thần và lòng tự hào dân tộc thể hiện trước hết trong sự cạnh tranh. Đương nhiên tinh thần dân tộc cũng là một phần của “đạo làm giàu”.

‘Đạo kinh doanh’

Vì vậy, theo tôi, một quan niệm tương đối hoàn chỉnh về “đạo kinh doanh” chỉ hình thành khi nước Việt Nam đã thực hiện được nền độc lập về chính trị và gắn với tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nhà yêu nước và nhà hoạt động chính trị này vạch ra được một quan niệm khá hoàn chỉnh về con đường phát triển đất nước- kiến tạo một nước Việt Nam hiện đại và đặt Việt Nam vào một xu thế hội nhập.

Đó là nguyên lý “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng” và hướng vào “công cuộc ích nước lợi dân”. Một trong những phát hiện sớm của Bác chính là “Chủ nghĩa dân tộc là một nguồn động lực lớn” (1924).

Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nghiên cứu những thông điệp của Hồ Chí Minh liên quan đến chính sách đối ngoại nói chung, chính sách kinh tế đối ngoại nói riêng: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc…”.

Bàn về ‘Đạo kinh doanh của người Việt’

Với một dân tộc tồn tại bên một quốc gia, một nền văn minh, trong đó có cả “văn minh thương mại” như Trung Hoa, người Việt Nam vừa phải cố kết để gìn giữ những giá trị văn hóa riêng, vừa có năng lực tiếp nhận một cách sâu sắc nền văn minh phương Bắc. Người Việt dùng chữ Hán cả ngàn năm nhưng cũng dùng ngôn ngữ ấy để chuyển tải tư tưởng tự chủ của mình. Cũng như ở thời cận đại, Việt Nam từng trở thành quốc gia “nói tiếng Pháp” (francophone) nhưng lại ăn bằng đũa và tiếp đó là dùng “chữ quốc ngữ” (một ảnh hưởng sâu đậm của hệ La tinh) để loại trừ chữ Hán ra khỏi đời sống ngôn ngữ xã hội…

“Chủ nghĩa dân tộc” và “năng lực hội nhập” là hai đặc trưng mang tính truyền thống cũng là bản lĩnh được tích tụ trong lịch sử của dân tộc và nó cũng được hội tụ trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong đó có những quan điểm về kinh tế. Những nhân tố ấy lại hoàn toàn có thể coi là cơ sở cho một quan niệm về “đạo kinh doanh” mà chúng ta đang bàn tới và cũng rất gần với “Kinh doanh nghĩa là dùng sản phẩm hay dịch vụ của mình như phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Nói cách khác, “đạo kinh doanh” chính là năng lực hướng các hoạt động kinh doanh vào mục đích phục vụ lợi ích con người, hiểu theo nghĩa rộng là môi trường tồn tại của loài người, bao gồm cả môi trường tiện nghi, môi trường văn hóa và môi trường sinh thái.

(Theo Báo Công Thương)