Chính phủ, doanh nghiệp tăng cường chống vi phạm phần mềm

Không còn mức phạt 15-20 triệu đồng áp dụng cho tất cả các giá trị vi phạm thậm chí lên tới vài tỷ đồng, các doanh nghiệp đang đối mặt với mức phạt tới 500 triệu đồng và nguy cơ xử lý hình sự.

Hành lang pháp lý chặt chẽ là nỗ lực của cả một quá trình dài trong nhiều năm qua, đặc biệt từ khi Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và điều phối trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền phần mềm ở Việt Nam được ký kết ngày 26/8/2008 giữa Cục Bản quyền Tác giả, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cùng với Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa).

Đến nay, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra hơn 30 đơn vị, bao gồm các công ty bán máy tính và doanh nghiệp sử dụng đầu cuối. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tôn trọng bản quyền phần mềm, thực hiện nhiều đợt gửi khuyến cáo trực tiếp nhắc nhở tới hàng chục nghìn doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng.

Thanh tra bản quyền phần mềm tại một doanh nghiệp. Ảnh: BSA,.
Thanh tra bản quyền phần mềm tại một doanh nghiệp. Ảnh: BSA,.

Đánh giá thành quả thực hiện một năm qua, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Thành quả lớn sau 1 năm thực hiện bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và điều phối trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền phần mềm ở Việt Nam là sự thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Bởi lẽ, hiện tại, không chỉ trong lĩnh vực phần mềm, mà vấn đề bản quyền đã được coi trọng hàng đầu, trong cả những lĩnh vực như phim ảnh, xuất bản, băng đĩa…Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra để thuyết phục các đơn vị, cá nhân vi phạm phải có trách nhiệm bàn thảo, thực hiện hợp pháp hóa bản quyền phần mềm theo đúng luật pháp quy định đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.”

Việc Chính phủ ban hành nghị định 47, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành đã khẳng định quyết tâm thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ. Nghị định này đã có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 30/6/2009 với mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng. Đây được coi là hành lang pháp lý vững chắc bảo đảm VN cam kết giảm mạnh tỷ lệ vi phạm bản quyền trong thời gian tới.

Đại diện cho doanh nghiệp phát triển phần mềm lớn của Việt Nam hiện nay, ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FIS), bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, muốn có một ngành công nghiệp phần mềm phát triển thì rất cần lưu ý vấn đề bản quyền”. Ông Triều lấy ví dụ FIS phát triển được một sản phẩm mất rất nhiều công sức và phải đầu tư lớn từ khâu khảo sát, thiết kế, phát triển, có đăng ký bản quyền tác giả và nhãn hiệu sản phẩm khá cẩn thận. Nhưng có trường hợp nhân viên của công ty ra bên ngoài mang theo sản phẩm và cũng đăng ký nhãn hiệu, bản quyền được như thường. “Cho đến khi nào có khiếu kiện thì rất khó phân giải. Theo chúng tôi cần làm tốt ngay từ khâu kiểm soát sản phẩm đăng ký ở cơ quan quản lý nhà nước. Công sức của những người phát triển ra sản phẩm không được tôn trọng sẽ làm mất động lực của họ, đó là vấn nạn của phần mềm Việt Nam”, Phó Tổng giám đốc FIS nói.

Theo ông Hà Thân, Tổng Giám đốc công ty Lạc Việt – thành viên đầu tiên của Việt Nam gia nhập Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA, tỷ lệ giảm vi phạm bản quyền ở Việt Nam có giảm nhưng chưa đáng kể. “Tham gia BSA, thành viên được tiếp cận nhiều thông tin về quyền sở hữu trí tuệ và được bảo vệ tích cực hơn. BSA có tiếng nói với chính phủ và quốc tế nên những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp có thể được đáp ứng. Nếu có càng nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tham gia tổ chức này thì tiếng nói chung về chống vi phạm bản quyền phần mềm sẽ mạnh hơn, góp phần nhanh chóng đưa các văn bản pháp luật vào cuộc sống”, ông Thân chia sẻ.

Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa (Bkis), với tư cách là một nhà sản xuất phần mềm đóng gói, cũng đã gia nhập Liên minh phần mềm doanh nghiệp. Bkis đã cùng với các thành viên khác của BSA mở 2 khóa tập huấn cho Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để nhận biết sản phẩm có bản quyền và bản crack. “Chỉ cần 20% trong số 5 triệu người sử dụng thường xuyên phần mềm diệt virus Bkav (tính riêng tại Việt Nam) trả phí khoảng 20 USD cho một năm sử dụng, chúng tôi đã có thể thu thêm 20 triệu USD mỗi năm”, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Bkis, cho biết.

Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng đại diện BSA tại VN, cho rằng: “Một trong số những thách thức lớn nhất trước mắt là việc thực hiện các điều khoản về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan cũng như các tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cùng với mức phạt hành chính tối đa được nâng lên mức 500 triệu đồng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ góp phần làm tăng đáng kể mức độ răn đe đối với tội ăn cắp bản quyền”.

Bên cạnh hành lang pháp lý, ông Tuấn cũng chỉ ra ba vấn đề chính cần làm: Thay đổi căn bản nhận thức về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vì đây cũng có thể là tội phạm như tội xâm phạm quyền đối với các tài sản hữu hình khác; nhìn nhận lại sự đánh đổi giữa việc bảo vệ một cách lỏng lẻo lợi ích của những người lao động trí tuệ và không xử lý triệt để các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (như sao chép và bán đĩa lậu), đây có thể còn được coi như là một nguồn công ăn việc làm và tạo thu nhập cho một số nhóm người; đặc biệt là việc hiểu và vận dụng khái niệm “vi phạm với quy mô thương mại” theo thông lệ cũng như thực tiễn xử lý tại các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo: VnExpress.net