Các hãng xe châu Á đang ‘bòn rút’ nước Mỹ

Ngày một nhiều công ty châu Á và châu Âu sản xuất xe ở Mỹ. Thế nhưng, lợi ích họ mang lại cho nước này không thể bằng các thương hiệu nội địa như Ford, GM hay Chrysler.

Khẩu hiểu “Muốn giúp kinh tế Mỹ, hãy mua hàng Mỹ” có vẻ đơn giản. Nhưng trong một thế giới mà Ford Fusion ra lò ở Mexico còn Toyota Camry xuất xưởng tại Kentucky thì ranh giới rất mong manh.

Giữa lúc các nhà sản xuất xe hơi Mỹ thi nhau đầu tư ra nước ngoài, đối thủ từ châu Á và châu Âu lại đem nhà máy sang đây. Vậy, đồng tiền thực sự đi về đâu khi người Mỹ mua ôtô?

Camry, mẫu xe bán chạy nhất của Toyota ở Mỹ. Ảnh: Toyota.
Camry, mẫu xe được ưa chuông nhất của Toyota ở Mỹ. Ảnh: Toyota.

Thomas Klier, nhà kinh tế học nhiều kinh nghiệm trong ngành xe hơi, cho rằng mua xe Ford hay General Motors bao giờ cũng tốt cho nền kinh tế và người lao động Mỹ, dù nó sản xuất ở Mexico, Canada hay Hàn Quốc.

Nguyên nhân là các công ty này sản xuất nhiều xe, tạo nhiều việc làm ở Mỹ hơn các hãng ngoại khác. Nếu mua Toyota Camry, người Mỹ vẫn làm lợi cho công nhân nhà máy Kentucky cùng nhân viên đại lý.

Thế nhưng, đi xa hơn, có thể nhận ra rằng Toyota còn cả bộ phần thiết kế, nghiên cứu phát triển nằm ở Nhật. Việc Camry đắt hàng dĩ nhiên tạo công ăn việc làm cùng tiền lương hậu hĩnh cho những người này.

Mặt khác, nếu có lợi nhuận, Ford sẽ đầu tư cho hoạt động ở Mỹ, nhằm đạt được sự phát triển tốt hơn. Nhưng nếu có lãi, chắc chắn Toyota sẽ mang về đầu tư cho hoạt động ở Nhật, nơi đặt “bộ não” của gã khổng lồ này.

Vấn đề quan trọng hơn là khi đặt chân vào đây, các hãng này ngày càng đóng vai trò quan trọng tới nền kinh tế. Một thập kỷ trước, Ford, General Motors, Chrysler là ba nhà sản xuất chính. Hiện tại, có tới 14 công ty đang ngày đêm lắp ráp và cạnh tranh đến sứt đầu mẻ trán nhằm tranh giành vài phần trăm thị phần.

Đứng trước thách thức này, không có con đường nào khác là đối đầu. Michael Robinet, Phó giám đốc của công ty tư vấn CSM Automotive khẳng định nền công nghiệp ôtô phát triển nhanh tới mức nơi đặt trụ sở không còn nhiều ý nghĩa.

Ford và GM đặt phòng nghiên cứu và thiết kế của mình ở khắp thế giới. Phong cách sử dụng xe ở Mỹ chắc chắn sẽ chẳng khác nhiều so với châu Âu hay châu Á. Tương tự, Honda và Toyota cũng đưa trung tâm nghiên cứu phát triển sang Mỹ.

Vì thế, khi người dân có xu hướng chỉ quan tâm đến giá và chất lượng, không quan tâm nó được thiết kế hay sản xuất ở đâu, thì nguy cơ là thực sự lớn. Các hãng Mỹ chẳng còn cách nào là phải chiến đấu trên quy mô toàn cầu để làm ra những chiếc xe tốt hơn.

Trọng Nghiệp (theo CNN)