Phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) – Ưu tiên số 1 trong chiến lược tăng tốc CNTT

Từ bài trình bày của Tiến sĩ Nguyễn Trọng …

Tại Hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XIII do Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, dưới sự bảo trợ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT) vừa diễn ra tại thành phố Bắc Ninh ngày 27/11/2009 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Trọng, nguyên chủ tịch Hội tin Học Thành phố Hồ Chí Minh các khóa 2&3, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Thế giới Vi tính – PCW VN, đã có một bài trình bày rất khoa học và ấn tượng với đầu đề: “Con đường hiện thực để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT trong khoảng 10 năm tới đây”. Nhiều vấn đề đã được đưa ra trong bài trình bày này, đặc biệt tập trung bàn về khía cạnh một nước mạnh về CNTT thì phải mạnh về những lĩnh vực nào theo những định nghĩa được thừa nhận trong thế giới CNTT toàn cầu.

Ông đã liệt kê ra 3 lĩnh vực chính mà một quốc gia có thể phấn đấu để trở thành một quốc gia mạnh toàn diện về CNTT là: Công nghiệp Thiết bị CNTT, Công nghiệp phần mềm CNTT và Công nghiệp dịch vụ CNTT (CNpDVCNTT).

Bằng những lý luận logic và khoa học, bằng những con số thống kê thuyết phục, ông đã chứng minh rằng Việt Nam hầu như không có khả năng trở thành một quốc gia mạnh về CNTT trong khoảng 10 năm tới đây, nếu không đi theo con đường phát triển công nghiệp dịch vụ CNTT.

CNpDVCNTT bao gồm các loại hình dịch vụ như sau:

  1. Làm thuê tạo ra các sản phẩm CNTT theo yêu cầu, trong đó phần quan trọng nhất là tạo ra các hệ thống công nghệ thông tin hoặc từng phần của hệ thống theo yêu cầu; Vận hành các hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông – CNTT&VT (Outsourcing & Operational Services)
  2. Bảo trì các hệ thống CNTT&VT (Maintenance Services)
  3. Triển khai cài đặt và tích hợp các hệ thống CNTT&VT (Implementation & Integration Services)
  4. Tư vấn và hoạch định các hệ thống CNTT&VT (Consulting & Planning Services)

Trong tình hình cụ thể của VN, chúng ta thường thêm vào 2 nhóm hoạt động thuộc phạm vi dịch vụ CNTT, đó là:

  1. Huấn luyện và đào tạo về CNTT&VT
  2. Xuất bản về CNTT&VT và tạo lập các CSDL số

Ông đã đưa ra những con số thống kê trên thị trường quốc tế năm 2008 về CNpDVCNTT như bảng bên dưới:

Loại hình dịch vụ CNTT

Giá trị tỷ USD

Tỷ lệ %

Triển khai cài đặt và Tích hợp các hệ thống CNTT &VT (Implementation & Integration Services)

266

33

Làm thuê các sản phẩm CNTT&VT theo yêu cầu và vận hành các hệ thống CNTT&VT (Outsourcing & Operational Services)

218

27

Tư vấn và thiết kế các hệ thống CNTT&VT (Consulting & Planning Services)

177

22

Bảo trì các hệ thống CNTT&VT (Maintenance Services)

145

18

Tổng cộng

806

100

Ông giải thích “một Quốc gia mạnh về công nghiệp dịch vụ CNTT phải chiếm được thị phần thế giới khoảng 0,5% tức cỡ 6,5-7 tỷ USD, trong khi hiện nay chúng ta đang ở mức là 0,4 tỷ USD. Đây là con số không quá cao. Có hệ thống chính sách tốt thì chúng ta có thể đạt và vượt con số này. Cần thấy rõ rằng ngành dịch vụ CNTT phát triển tốt không chỉ là nguồn xuất khẩu quan trọng mà còn là điều kiện cần để ứng dụng CNTT có hiệu quả”.

Toàn văn báo cáo của TS Nguyễn Trọng

Tới những thực tế của FOSS

Chúng ta đều biết rằng, FOSS đi cùng một mô hình kinh doanh mới, dựa vào việc cung cấp các dịch vụ đi kèm với các phần mềm FOSS đó. Mô hình kinh doanh này hoàn toàn khác với mô hình kinh doanh phần mềm truyền thống (dựa chủ yếu vào doanh thu của việc bán các giấy phép sử dụng phần mềm).

John “Maddog” Hall, Chủ tịch của tổ chức Linux International, trong chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây nhất của ông theo lời mời của chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 8/2009 vừa qua, nhân sự kiện WITFOR 2009, đã khuyến cáo Việt Nam “nên sử dụng các giải pháp và sản phẩm FOSS vì sự cân bằng trong cán cân thương mại của quốc gia mình với các nước đối tác bên ngoài, để hàng triệu tỷ đồng không bay khỏi nước mình thông qua việc trả tiền phí bản quyền cho các phần mềm sở hữu độc quyền, mà hầu hết chúng sẽ được đầu tư trở lại cho những giải pháp và sản phẩm FOSS phù hợp với tiếng mẹ đẻ và cách làm việc của quốc gia mình, theo các nhu cầu thực tế của chính phủ, người dân và nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin và phần mềm của nước mình thông qua các dịch vụ như tư vấn, đào tạo, cấp chứng chỉ, tích hợp, tùy biến, cài đặt, quản trị hệ thống, bản địa hóa, … Không ai có thể đáp ứng được tốt nhất những nhu cầu cấp thiết của người bản địa bằng chính người bản địa. Theo ông thì phần tiền mà bạn kiếm được từ hỗ trợ FOSS sẽ nhiều hơn so với kinh doanh phần mềm sở hữu độc quyền.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả các dịch vụ mà FOSS cung cấp theo mô hình kinh doanh mang tính tự nhiên như bản chất của nó, được liệt kê ở đây, là nằm trọn trong các dịch vụ được thế giới công nhận đối với CNTT.

Tháng 04/2009 vừa qua, Michael Tiemann, Phó Chủ tịch của hãng Red Hat, đồng thời là Chủ tịch của tổ chức Sáng kiến Nguồn mở OSI (nơi đưa ra định nghĩa về phần mềm nguồn mở và là nơi phê chuẩn tất cả các loại giấy phép của phần mềm nguồn mở), khi giải thích về tính ưu việt của mô hình phát triển FOSS đã khẳng định rằng mô hình này là mô hình duy nhất có thể trụ vững được trong thời đại ngày nay vì nó sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí cho việc phát triển các phần mềm, tương đương với việc tiết kiệm hàng ngàn tỷ USD phát triển phần mềm mỗi năm trên thế giới.

Câu chuyện thực tế của thế giới FOSS 2 năm trở lại đây đã chứng minh được sức mạnh khổng lồ của nó, một khi cần được thể hiện một cách cụ thể ra bằng số tiền được định giá trên thị trường và/hoặc sức lan tỏa của nó trong một đơn vị thời gian. Các công ty nguồn mở như Google, Yahoo, Red Hat, Canonical, cùng với hàng loạt các công ty CNTT&VT trên thế giới, kinh doanh theo mô hình mới của nguồn mở dựa trên việc cung cấp các dịch vụ, mới thực sự là những ví dụ điển hình và đích thực của sự tăng tốc thần kỳ trong nền CNTT thế giới, mà mấu chốt của nó nằm ở việc giải phóng những khả năng vô biên của trí tuệ con người cho mục tiêu đổi mới sáng tạo trong CNTT&VT. Đó chính là một bài học mà chiến lược tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT nên lĩnh hội và đưa vào trong chiến lược và thực tiễn cuộc sống tại Việt Nam một cách nhanh nhất có thể được, trên một phạm vi rộng lớn nhất có thể được.

Kết luận

Cả về lý thuyết, các con số thống kê, và thực tiễn triển khai trên thế giới đều chỉ ra rằng, đối với Việt Nam, dịch vụ CNTT là chìa khóa để tăng tốc trong CNTT, mà mô hình kinh doanh và phát triển của FOSS là sự thể hiện gần như đầy đủ và trọn vẹn nhất tất cả các loại hình dịch vụ được thế giới thừa nhận đó.

FOSS phải là ưu tiên số 1 trong sự tăng tốc để trở thành nước mạnh về CNTT Việt Nam!

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 12/2009, trang 64-65.